Thân thế Kế_Hoàng_hậu

Dòng dõi

Cao Tông Kế Hoàng hậu Na Lạp thị, sinh ngày 10 tháng 2 (âm lịch) năm Khang Hi thứ 57. Trong sách Thanh sử cảo, bà được gọi là [Ô Lạp Na Lạp thị; 烏拉那拉氏], nhưng đúng ra bà phải được gọi là [Huy Phát Na Lạp thị; 輝發那拉氏], do dòng tộc bà là hậu duệ của Huy Phát Bối lặc Vương Cơ Trử.

Theo Khâm định Bát Kỳ thông chí (钦定八旗通志) và Bát Kỳ Mãn Châu thị tộc tông phổ (八旗满洲氏族通谱), dòng tộc của bà là Huy Phát Na Lạp thị vốn mang họ Na Lạp thị, sống tại vùng đất tên Huy Phát. Đất Huy Phát là khởi thủy bởi Huy Phát Bối lặc Vương Cơ Trử, xét là Mãn Châu Tương Lam kỳ thuộc Hạ Ngũ kỳ xuất thân. Nguyên gốc dòng họ của Hoàng hậu cần phải giải thích khá phức tạp, bổi vì vốn dĩ họ [Na Lạp thị] là một dòng dõi cổ xưa của người Nữ Chân, đã có ghi chép cuối thời nhà Đường, sang thời nhà Minh thì sinh ra 4 bộ lớn ở Hải Tây, tất cả đều mang họ Na Lạp thị, nên gọi [Na Lạp tứ bộ]. Bốn bộ ấy bao gồm: Diệp Hách, Ô Lạp, Cáp ĐạtHuy Phát.

Vấn đề gọi họ

Căn cứ "Tông phổ", trong 4 bộ tộc của Na Lạp thị thì có sớm nhất là Ô Lạp, sau một nhánh tộc Na Lạp đất Ô Lạp di cư sang Cáp Đạt, hình thành nên hai nhánh lớn của Na Lạp thị là dòng [Ô Lạp Na Lạp thị] và [Cáp Đạt Na Lạp thị][Chú 2]. Ngoài ra nếu trong lãnh thổ có một địa danh do họ [Na Lạp thị] cai quản, cũng lấy tên địa danh gọi thành tông tộc, như [Trương Na Lạp thị]. Về sau, có một người Mông Cổ tên Tinh Căn Đạt Nhĩ Hán (星根達爾漢), nguyên dòng dõi Thổ Mặc Đặc thị, xuất quân tiêu diệt Trương Na Lạp thị, phát hiện địa phương này lấy họ Na Lạp thị làm thủ lĩnh, cũng bèn đổi họ của mình qua Na Lạp thị, gọi là [Thổ Mặc Đặc Na Lạp thị]. Về sau, Thổ Mặc Đặc Na Lạp thị di cư đến đất Diệp Hách, hình thành nên dòng tộc [Diệp Hách Na Lạp thị] danh tiếng.

Tương tự như vậy, Hắc Long giang Nữ Chân có một chi là [Ích Khắc Đắc Lý thị], thủ lĩnh là một đôi anh em tên Ngang Cổ Lý (昂古里) và Tinh Cổ Lực (星古力), đem toàn bộ bộ tộc đến địa phương tên Trương. Địa phương có đại bộ chủ, tên Cát Dương Cát Thổ Mặc Đồ (噶揚噶土墨圖), họ Na Lạp thị, chịu trợ giúp hai anh em, nên hai anh em từ đó sửa họ lại thành Na Lạp thị. Về sau hậu duệ Tinh Cổ Lực di cư đến Huy Phát, phát kiến ra Huy Phát quốc, là ngọn nguồn của [Huy Phát Na Lạp thị]. Do tính chất phân nhánh như vậy của Na Lạp thị, các chi Na Lạp thị luôn tự xưng mình là dòng dõi cổ nhất trong 4 chi, tức Ô Lạp Na Lạp thị.

Cho nên đáng lý ra, Kế Hoàng hậu phải được gọi là [Hoàng hậu Huy Phát Na Lạp thị], nhưng dòng dõi của bà vẫn tự xưng là ["Ô Lạp Na Lạp thị"], đây cũng đều có nguyên do vì các gia tộc Mãn Châu luôn có hiện tượng "leo lên", tức là các bộ tộc ít tiếng tăm hơn đều tự xưng là một bộ tộc có cùng họ. Trong đây "Huy Phát" là nơi phát tích, "Na Lạp thị" mới là họ. Trường hợp này tương tự Giác La thị, đương thời có: Ái Tân Giác La thị, Y Nhĩ Căn Giác La thị, Tây Lâm Giác La thị, Thư Thư Giác La thịGia Mộc Hồ Giác La thị. Trong đó, ngoại trừ "Ái Tân Giác La" là hoàng thất, còn thì "Y Nhĩ Căn Giác La thị" là dòng họ có nhiều nhất, nên trong sách phong hoặc truyện ký, hậu duệ Thư Thư Giác La thị và Gia Mộc Hồ Giác La thị thường xuyên tự nhận mình là Y Nhĩ Căn Giác La, dù thực tế chẳng có liên quan gì. Trong các kim sách hoặc văn bản của người Mãn Thanh, nơi phát tích không thường được ghi kèm với họ mà chỉ ghi họ không, mà nơi phát tích dòng dõi của Kế Hoàng hậu là ["Huy Phát"], do đó đương thời bà chỉ được gọi là [Na Lạp thị] mà thôi.

Như vậy xét ra, Kế Hoàng hậu Na Lạp thị không cùng dòng dõi với Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu - nguyên phối của Thanh Thế Tông Ung Chính Đế; cũng như không hề liên quan đến gia tộc Ô Lạp Na Lạp thị của Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu.

Gia thế

Nếu chỉ xét về nguồn gốc, dòng dõi của Kế Hoàng hậu là dòng dõi của Huy Phát Quốc chủ Na Lạp thị, nhìn chung gốc gác rất cao quý. Cao tổ phụ là Mãng Khoa (莽科), là cháu nội của Huy Phát Bối lặc Vương Cơ Trử, cùng thế hệ với vị Bối lặc cuối cùng của Huy Phát quốc, Bái Âm Đạt Lý. Mãng Khoa dẫn tông tộc nhập Mãn Châu kỳ, phân phó ở Tương Lam kỳ, qua các đời được thế tập[Chú 3] chức vụ [Tá lĩnh; 佐领], thuộc hàng Tứ phẩm. Mãng Khoa sinh La Hòa (罗和) nhậm chức Phó Đô thống. La Hòa sinh ra La Đa (罗多) nhậm chức Hộ quân Tham lĩnh và Na Nhĩ Bố (那爾布) nhậm chức Tá lĩnh. Na Nhĩ Bố là cha thân sinh ra Na Lạp thị, từng giữ chức ở Thịnh Kinh, do đó rất có thể Na Lạp thị sinh ra tại đây. Chính thất và cũng là mẹ của Na Lạp thị là Lang Giai thị (郎佳氏), ngoài Na Lạp thị còn sinh ra một con trai tên Nột Lý (讷里), Nột Lý sinh ra Nạp Tô Khẳng (纳苏肯; cũng phiên Nột Tô Khẳng 讷苏肯).

Suy xét về gia thế, gia đình của Kế Hoàng hậu không hề tồi, nhưng cũng không xem là quá vinh quý. Tổ phụ đảm nhiệm Phó Đô thống, bá phụ đảm nhiệm Hộ quân Tham lĩnh, tuy xem là cao cấp quan viên, song xét với Thượng thư hay Đô thống vẫn là có chênh lệch. Tuy vậy, cha bà được tập tước Tá lĩnh, mà ở xã hội Mãn Châu, tầng lớp cai trị rất xem trọng thể thức "Thế quản Tá lĩnh", và "Thế tước thế chức"; biểu thị cho địa vị của dòng tộc trong xã hội Mãn Châu khi đó. Trong đó, Thế tước thế chức biểu thị địa vị gia tộc có công lao khai quốc mà được thụ phong, còn Thế quản Tá lĩnh lại biểu thị dòng dõi có truyền thống và gốc gác cao. Đấy là bởi vì để có được chức Tá lĩnh, thông thường đều là từ tầng lớp giai cấp ["Bộ trưởng"] (nghĩa là tộc trưởng của một bộ tộc) của người Nữ Chân khi xưa, vì những Bộ trưởng sau khi nhập kỳ mới đủ tư cách có chức Tá lĩnh. Người Mãn có tư duy tôn sùng "Bộ trưởng" đặc biệt cao, nhất là giai đoạn đầu thời kì nhập quan. Khi Thanh Thánh Tổ Khang Hi Đế chọn lập Hoàng hậu, tính chọn cháu gái Sách Ni, thì Ngao Bái không đồng tình, mà nên chọn con gái của Át Tất Long. Vì bởi lẽ, Sách Ni tuy là phụ chính đaị thần, quan hàm cao quý, song xuất thân Hách Xá Lý thị rất thấp, chỉ là Hải Tây bộ nhân, không có chức Bộ trưởng hay Lộ trưởng, trong khi đó Át Tất Long xuất thân cao quý Nữu Hỗ Lộc, thế tập Lộ trưởng của Anh Ngạch địa phương.

Điều này không có nghĩa gia đình của Kế Hoàng hậu Na Lạp thị là có địa vị cực cao, nếu tính ra thì tuy dòng dõi Huy Phát quốc chúa, song gia đình bà không thuộc chi gần bằng gia tộc của Thông Quý (通貴) thuộc Tương Hồng kỳ, cũng là tử tôn của Vương Cơ Trử, chi tộc này có Thế quản Tá lĩnh lẫn Thế tước truyền đời. Nên là nếu xét dòng dõi thì Na Lạp thị rất sang trọng và gốc gác to, nhưng gia tộc lại không mấy hiển hách khá giả. Đó là điểm khác biệt khi xét về dòng dõi và gia thế của người Bát kỳ.